Trong báo cáo cập nhật tình hình mới nhất tính đến trưa ngày 22/1 của đơn vị điều hành tuyến cáp quang AAG, mối nối cuối cùng đã được hoàn thành. Vì thế công tác khác khắc phục sự cố sẽ xong hoàn toàn vào trưa nay 23/1, sớm hơn một ngày so với thông báo cập nhật tiến độ được đưa ra ngày 19/1/2015.
Như vậy, đơn vị sửa chữa đã phải mất tới 12 ngày để khắc phục sự cố đứt cáp ngay trong tuần đầu tiên của năm 2015. Trước đó, vào ngày 5/1/2015, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG đã gặp sự cố tại đoạn rẽ nhánh vào trạm cập bờ Vũng Tàu. Đến ngày 6/1/2015, đơn vị điều hành tuyến cáp AAG đã xác định được vị trí cáp lỗi cách trạm Vũng Tàu 117 km và bắt đầu triển khai công tác hàn nối cáp.
Sự cố đứt cáp quang biển quốc tế AAG khiến dịch vụ Internet tại Việt Nam bị ảnh hưởng (tốc độ truy cập Internet của nhiều người dùng chậm khi truy cập trang quốc tế) dù các nhà mạng đã khắc phục tạm thời bằng cách chuyển sang dùng những tuyến cáp đất liền.
Theo thống kê của các nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam, kể từ khi được chính thức đưa vào hoạt động tháng 11/2009 cho đến nay, tuyến cáp quang biển AAG đã nhiều lần bị đứt, gặp sự cố. Năm 2011, tuyến cáp quang biển AAG đã 4 lần xảy ra sự cố hoặc phải bảo dưỡng. Đến tháng 8/2012, tuyến cáp AAG lại bị đứt và hoạt động sửa chữa đợt đứt cáp lần này kéo dài gần một tháng. Tiếp đó, vào 13/8 và 20/12/2013, tuyến cáp quang biển AAG lần lượt bị đứt ở các vị trí cách trạm cập bờ Vũng Tàu 6,2 km và 278 km. Và trong năm 2014 vừa qua, tuyến cáp AAG cũng đã 2 lần bị đứt vào tháng 7 và tháng 9. Với lần lỗi cáp AAG trên phân đoạn Vũng Tàu - Hong Kong vào ngày 15/9/2014, đơn vị điều hành tuyến cáp đã mất 2 tuần để khắc phục, sửa chữa.
Việc xác định nguyên nhân đứt cáp quang khá khó khăn, phức tạp. Theo đại diện VNNIC, thống kê của chuyên gia Palmer-Felgate (Trưởng dự án sửa chữa cáp biển của Công ty Verizon), 70% là nguyên nhân do mỏ neo của các tàu biển, khoảng 10% là do ngư dân vô tình trong quá trình tác nghiệp làm va vướng gây đứt cáp, phần còn lại có thể do thảm hoạ tự nhiên ...