Số hóa truyền hình sẽ thay đổi phương thức tắt sóng truyền hình analog. Ảnh minh họa: Internet
|
Tại phiên họp Tiểu ban giúp việc ban chỉ đạo đề án số hóa truyền hình Việt Nam lần 6, tại Hà Nội vào sáng ngày 13/5/2015, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, Trưởng tiểu ban đã đồng ý với đề xuất sẽ thực hiện tắt sóng truyền hình analog ở Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam, cũng như tại Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Hải Phòng theo lộ trình. Đề xuất này sẽ được trình lên Ban chỉ đạo Số hóa Truyền hình quốc gia thông qua trong phiên họp sắp tới.
Theo kế hoạch trước đây, tại Đà Nẵng và 4 huyện thuộc Bắc Quảng Nam sẽ tắt sóng truyền hình analog từ 1/7/2015, còn tại 4 thành phố còn lại sẽ thực hiện tắt sóng truyền hình analog từ 1/1/2016. Đến thời điểm đó, sẽ ngắt sóng toàn bộ các kênh truyền hình analog quảng bá tại các địa phương nói trên, chính thức chuyển đổi sang số hóa truyền hình.
Tuy nhiên, tại phiên họp sáng 13/5/2015, nhiều ý kiến đề xuất nên thay đổi từ phương thức tắt sóng “cứng” (tắt sóng đồng loạt cùng lúc) sang phương thức tắt sóng “mềm”, tức là sẽ tắt sóng dần dần từng kênh truyền hình analog, những kênh có nội dung giải trí sẽ được thí điểm tắt sóng trước, những kênh thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền thiết yếu sẽ tắt sóng sau cùng. Dự kiến đến 31/10/2015 sẽ chính thức ngừng phát sóng toàn bộ các kênh truyền hình analog quảng bá tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam. Tại 4 thành phố Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Hải Phòng sẽ chính thức tắt sóng hoàn toàn các kênh analog từ 31/5/2016.
Để thực hiện phương án tắt sóng “mềm” mới được đề xuất, Ban chỉ đạo số hóa truyền hình tại các tỉnh, thành phố sẽ phải lập kế hoạch để tắt sóng từng kênh theo lộ trình để trình lên Ban chỉ đạo quốc gia. Theo ý kiến của đại diện VTV, tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam, từ 1/7/2015 sẽ tiến hành tắt sóng kênh VTV6 trước, đối với 2 kênh truyền hình Đà Nẵng sẽ cân nhắc để tắt trước 1 kênh. Sau đó, sẽ tiến hành tắt sóng dần dần các kênh khác trong vòng 3 tháng.
Các ý kiến tại phiên họp cũng đề nghị, chỉ kéo dài thời điểm tắt sóng analog nhưng thời điểm phát sóng số vẫn giữ nguyên như kế hoạch cũ. Như vậy thời hạn phát sóng song song cả truyền hình analog và truyền hình số DVB-T2 sẽ kéo dài 4-5 tháng so với kế hoạch trước đây.
Việc thay đổi phương thức tắt sóng truyền hình analog từ "cứng" sang "mềm" nhằm mục đích để thúc đẩy cho người dân có thời gian để mua sắm đầu thu số DVB-T2. Đồng thời các địa phương có thêm thời gian chuẩn bị thủ tục đấu thầu và mua sắm đầu thu số DVB-T2 để trợ cấp cho người nghèo. Tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam có khoảng 64.540 hộ nghèo cần được trợ cấp đầu thu số DVB-T2. Trong đó, có 21.329 hộ được hỗ trợ từ nguồn Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích, số hộ còn lại sẽ được Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam trích kinh phí địa phương hỗ trợ.
Theo ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ đầu thu số cho người nghèo ở giai đoạn 1 sẽ tăng cao hơn vì Ban chỉ đạo số hóa truyền hình quốc gia đã quyết định ngừng phát sóng truyền hình tương tự đến đâu sẽ phải phủ sóng truyền hình số đến đó. Như vậy, đồng thời sẽ phải thực hiện hỗ trợ đầu thu cho hộ nghèo, cận nghèo tại các khu vực thuộc nhóm 2 nhưng sẽ số hóa truyền hình cùng với nhóm 1.
Cho đến thời điểm này, việc triển khai hỗ trợ đầu thu số cho người nghèo đang bị chậm lại do thông tư liên tịch giữa Bộ TT&TT và Bộ Tài chính hướng dẫn hỗ trợ đầu thu truyền hình số trên địa bàn Đà Nẵng và 4 huyện, thị xã của Bắc Quảng Nam vẫn chưa được ban hành.
Theo ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, để tắt sóng truyền hình analog cần có 3 việc phải hoàn thiện, đó là: vùng phủ sóng tốt, đầu thu số để hỗ trợ cho người nghèo phải sẵn sàng, phải đảm bảo 95% người dân đã xem được sóng truyền hình số.
( Theo ictnews.vn )