Để ứng phó với việc AAG liên tục gặp sự cố, các nhà mạng Việt Nam đã tiến hành đầu tư vào 2 tuyến cáp quang biển mới, dự kiến hoạt động từ năm sau.
Tuyến cáp APG có thể được đưa vào vận hành từ 2016.
Sự cố chập chờn trên tuyến cáp quang biển AAG xảy ra từ đầu tháng 6/2015 không phải do đứt cáp mà do hoạt động không ổn định. Điều này khiến các nhà mạng tại Việt Nam gấp rút thúc đẩy tiến độ đầu tư vào các tuyến cáp quang khác nhằm giảm thiểu sự lệ thuộc vào tuyến AAG.
Cả VNPT, FPT và Viettel đang cùng đầu tư vào tuyến cáp quang biển châu Á - Thái Bình Dương APG (Asia Pacific Gateway). Đây là tuyến cáp có chiều dài 11.000km, nối Việt Nam với các nước châu Á và Mỹ.
Mặc dù cũng là cáp quang biển nhưng APG được chờ đợi sẽ làm tăng độ an toàn nhờ đi tránh các khu vực nguy hiểm thông qua hệ thống định tuyến ngầm thông minh. Tuyến cáp này được Thủ tướng chính phủ phê duyệt vào tháng 11/2009 và dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2016.
Ngoài ra, Viettel, sử dụng khoảng 30% lưu lượng kết nối từ tuyến AAG, cũng đang đầu tư vào tuyến cáp quang biển AAE1 (Asia Africa Euro 1). Tuyến cáp dài 25.000km này kết nối các nước châu Á đến khu vực châu Âu, châu Phi và cũng dự kiến hoạt động vào năm sau. Khi đó, Viettel sẽ có tới 5 hướng kết nối Internet quốc tế gồm IA, AAG, đối tác Trung Quốc, APG và AAE1.
6 tháng đầu năm 2015, tuyến cáp quang AAG đã 4 lần bị sự cố.
Việt Nam đang có 4 tuyến cáp quang biển quốc tế cập bến gồm: AAG (Asia-America Gateway) và TGN-IA (TGN-Intra Asia Cable System) cập bến tại Vũng Tàu, SMW3 (SEA-ME-WE 3) và APG (Asia Pacific Gateway) cập bến tại Đà Nẵng.