Số hóa truyền hình đã được triển khai thành công ở 13 tỉnh, thành phố.
|
|
Theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình, vào lúc 0h ngày 30/12/2016, sẽ chính thức tắt sóng các kênh truyền hình analog ở 8 tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hậu Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bình Dương. Đánh dấu hoàn thành số hóa truyền hình ở 13 tỉnh, thành phố trên cả nước. Trước đó, 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng đã hoàn thành số hóa truyền hình.
Trên cơ sở số liệu điều tra tỷ lệ hộ gia đình thu xem truyền hình qua các phương thức khác nhau và số lượng đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 bán ra tại thị trường 8 tỉnh thành nói trên, có thể thấy tỷ lệ hộ gia đình thu xem truyền hình tương tự mặt đất thấp hơn 5% tại thời điểm 30/12/2016, do đó việc tắt sóng truyền hình analog vào đêm nay là hoàn toàn khả thi.
Một phần việc quan trọng quyết định thời điểm ngừng phát sóng truyền hình analog là Bộ TT&TT phải hoàn thành hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương ngừng phát sóng truyền hình analog. Khi thực hiện số hóa truyền hình giai đoạn I, Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích đã hoàn thành hỗ trợ 158.783 bộ đầu thu DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo tại Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hậu Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc.
Ở giai đoạn 2 này, Ban Quản lý Chương trình Viễn thông công ích được Bộ TT&TT giao nhiệm vụ thực hiện hỗ trợ tiếp tục cho 79.922 bộ đầu thu DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo phát sinh theo chuẩn mới tiếp cận đa chiều tại Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Vĩnh Long, Hậu Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc. Việc hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo phát sinh tại 8 tỉnh nêu trên sẽ hoàn thành trước ngày 30/12/2016.
Trao đổi với ICTnews, ông Chu Hồng Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý Chương trình Viễn thông công ích cho hay, cho đến trưa ngày 29/12/2016, việc lắp đặt đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo tại 8 tỉnh cơ bản đã hoàn thành. Chỉ còn Hải Dương còn khoảng 400 hộ, sẽ được nhà thầu VTC hoàn thành nốt trong ngày 30/12/2016.
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng cộng Bộ TT&TT đã thực hiện hỗ trợ hơn 511.000 bộ đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo tại 23 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi tắt sóng truyền hình analog ở 13 tỉnh thành (cả ở giai đoạn 1 và giai đoạn 2).
Tại phiên họp gần đây nhất chuẩn bị cho ngày tắt sóng truyền hình analog tại 8 tỉnh, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã chỉ đạo 3 đơn vị truyền dẫn phát sóng truyền hình số là VTV, công ty RTB, công ty SDTV đảm bảo chất lượng phủ sóng truyền hình số mặt đất tại địa bàn 8 tỉnh.
Ban quản lý Chương trình Viễn thông công ích phải chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương hoàn thành việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất trước ngày 30/12/2016. Cục Viễn thông đôn đốc các doanh nghiệp thông tin di động triển khai nhắn tin thông báo tới các thuê bao di động tại các địa phương sẽ tắt sóng analog để thông tin cho người dân biết và chuyển đổi sang thu xem truyền hình số.
Cho đến thời điểm này, vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 về cơ bản đã rộng hơn vùng phủ sóng truyền hình tương tự mặt đất. Tại 8 tỉnh hầu hết người dân đã thu xem tốt truyền hình trên sóng số DVB-T2.
Trong đó, VTV đã triển khai 6 máy phát chính DVB-T2 cho khu vực đồng bằng Bắc Bộ; 6 máy phát chính DVB-T2 cho khu vực đồng bằng Nam Bộ. Vùng phủ sóng số DVB-T2 của VTV đã bao trùm toàn bộ địa bàn 5 tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Bình Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang và hầu hết địa bàn Hải Dương, Vĩnh Phúc, truyền tải các kênh chương trình của VTV.
Công ty cổ phần truyền dẫn, phát sóng truyền hình đồng bằng Sông Hồng (RTB) triển khai 5 máy phát hình số DVB-T2, trong đó có 3 máy phát sóng chính tại Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam và 2 trạm phát sóng công suất nhỏ tại Hải Phòng truyền tải các kênh truyền hình thiết yếu của địa phương và các kênh truyền hình khác. Phủ sóng toàn bộ địa bàn Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, hầu hết Hải Dương, Vĩnh Phúc. Hiện chỉ còn Kinh Môn – Hải Dương, Tam Đảo - Vĩnh Phúc là địa bàn trước đây truyền hình tương tự mặt đất cũng không phủ tới.
Công ty SDTV đã triển khai 7 máy phát phủ sóng hầu hết cho khu vực thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang, phủ sóng một phần địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang; 3 máy phát công suất nhỏ tại Côn Đảo phủ sóng cho huyện Côn Đảo, Bà Rịa- Vũng Tàu; truyền tải các kênh chương trình truyền hình của các tỉnh/thành phố trong khu vực, trong đó có kênh truyền hình Bình Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang.
Đối với địa bàn các xã tại vùng biên của tỉnh Hậu Giang giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu, khu vực này người dân thu xem truyền hình số mặt đất từ máy phát kênh tần số 33 đặt tại Cần Thơ của SDTV. Đa số các hộ dân thu xem truyền hình mặt đất kênh 33 với chất lượng tín hiệu ổn định. Tuy nhiên, có rải rác một số trường hợp khó thu xem được truyền hình số do bị ảnh hưởng bởi máy phát kênh 33 của Đài PT-TH Bạc Liêu. Người dân tự khắc phục bằng cách nâng cao cột ăng-ten, trang bị thêm bộ khuếch đại tín hiệu và cơ bản đã giải quyết được vấn đề này. Để khắc phục triệt để, SDTV đang triển khai lắp đặt máy phát DVB-T2 kênh 34 tại Hậu Giang, dự kiến sẽ hoàn thành lắp đặt và phát sóng trong tháng 12/2016 để đảm bảo người dân tại Hậu Giang có thể thu xem được truyền hình số mặt đất ổn định.
ICTNews.vn
Sau khi tắt sóng Analog, người xem có thể tham khảo lắp truyền hình FPT hoặc truyền hình K+ cho nhu cầu giải trí tại nhà với chất lượng và nội dung tuyệt hảo