Vài năm trước, nếu ai đó nói virus có thể tấn công một chiếc ti vi thì thật là khó tin. Tuy nhiên với sự nở rộ của các loại ti vi thông minh (Smart TV), mối đe dọa đó đã trở thành hiện thực. Nếu bạn đang chuẩn bị mua một chiếcSmart TV, trước tiên hãy tự trang bị một số kiến thức giúp mình tránh khỏi những mối đe dọa này.
Smart TV là gì?
Smart TV là một khái niệm mới, chỉ xuất hiện cách đây một vài năm về trước, nhằm mô tả các sản phẩm TV được nhà sản xuất cho phép kết nối mạng internet. Đây cũng là điểm khác biệt lớn nhất giữa smart TV và TV thường. Ngoài ra, TV thông minh còn có thể chạy các ứng dụng, nhận lệnh bằng giọng nói và một số tính năng cao cấp khác, hay nói đơn giản là có 1 hệ điều hành.
Như chúng ta đều biết, ti vi được phát minh và sử dụng hàng thập kỷ nay mà không gặp phải bất kỳ mối nguy an ninh nào. Nguy cơ này chỉ nổi lên kể từ khi Smart TV trở thành một xu hướng công nghệ.
Điều gì xảy ra khi smart TV bị hack?
Đối với smart TV, hậu quả lớn nhất của việc bị hacker xâm nhập đó là việc người dùng sẽ bị hacker theo dõi. Tại Hội thảo về bảo mật Black Hat hồi năm ngoái, các nhà nghiên cứu bảo mật đã từng trình diễn các ví dụ cho thấy các smart TV có thể bị hacker khai thác lỗ hổng để:
- Bật, tắt camera.
- Các ứng dụng mạng xã hội như Facebook hay Skype có thể bị chiếm quyền kiểm soát.
- Dữ liệu có thể bị truy cập và thay đổi.
Cộng thêm sự gia tăng chóng mặt của các loại virus và phần mềm độc hại, có thể thấy người dùng Smart TV đang phải đối mặt với ngày càng nhiều rủi ro liên quan đến tính riêng tư và bảo mật. Ngoài ra, nếu các thông tin như danh sách email hay danh bạ điện thoại bị lộ, thì nguy cơ virus bị phát tán trên diện rộng là điều có thể xảy ra. Tệ hơn hết, chủ nhân của các thiết bị này luôn canh cánh trong lòng nỗi lo có người nào đó đang âm thầm theo dõi mình.
Những phương pháp ngăn chặn
Dù có nhiều điểm yếu như vậy, nhưng thật may là Smart TV chưa phải đối mặt với loại virus nào gây ra những hậu quả thực sự nghiêm trọng, ít nhất là cho tới thời điểm này. Khi mối nguy chưa xuất hiện, thật khó để đưa ra những biện pháp phòng vệ phù hợp, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể áp dụng những nguyên tắc bảo mật chung cho mọi loại thiết bị, bao gồm:
- Liên tục cập nhật firmware: các nhà sản xuất thường xuyên tung ra các bản cập nhật firmware nhằm kịp thời vá các lỗ hổng bảo mật, ngăn không cho kẻ xấu lợi dụng những lỗ hổng này để tấn công thiết bị của người dùng.
- Kích hoạt tường lửa: Bất cứ thiết bị kết nối Internet nào cũng nên có tường lửa giám sát, và Smart TV cũng không phải ngoại lệ. Lựa chọn tối ưu nhất là sử dụng tính năng tưởng lửa của router, ngoài ra nếu Smart TV được cung cấp sẵn các thiết lập tường lửa, hãy sử dụng chúng.
- Tìm diệt các phần mềm độc hại: Tùy từng hãng và từng dòng Smart TV mới có tính năng này. Nếu bạn có thể truy cập các ứng dụng tìm diệt phần mềm độc hại, hãy sử dụng chúng một cách thường xuyên, và nhớ định kỳ cập nhật cho chúng.
- Trông chừng camera: Nếu kẻ xấu nắm được quyền kiểm soát camera, chúng có thể bật camera từ xa mà bạn không biết. Do vậy hãy coi như camera của bạn đang được mở 24/24 và đừng thực hiện bất kỳ hành động nào mang tính riêng tư hoặc có thể tổn hại đến hình ảnh của bản thân khi đứng trước camera. Đơn giản hơn, hãy kiếm một mảnh vải phủ lên camera và chỉ mở ra nếu có nhu cầu sử dụng.
- Nói không với Smart TV: Nếu nhu cầu của bạn chưa đến mức phải sử dụng Internet trên một chiếc ti vi, thì để tiết kiệm chi phí và tránh cho mình những mối lo không đáng có, bạn hãy hoãn lại dự định mua Smart TV mà tạm thời hài lòng các loại ti vi truyền thống.
Thiết bị càng thông minh, chúng càng trở thành miếng mồi ngon đối với virus và phần mềm độc hại. Vì vậy, hãy luôn để mắt đến những “vị khách không mời” này nếu không muốn phải giải quyết những hậu quả do chính thiết bị được gọi là thông minh này gây ra.
http://genk.vn/