Truyền hình số cho chất lượng tín hiệu, hình ảnh, âm thanh tốt hơn truyền hình analog
Lợi ích của số hóa truyền hình
Theo Cục Tần số Vô tuyến điện, truyền hình số mặt đất đem lại rất nhiều lợi ích. Đầu tiên là chất lượng chương trình truyền hình cao hơn hẳn so với truyền hình tương tự, với âm thanh hình ảnh trung thực và sắc nét, không có hiện tượng bóng ma như trong truyền hình tương tự. Thứ hai, một trong những ưu điểm nổi bật của truyền hình số là đem lại hiệu quả sử dụng tần số.
Nếu như với truyền hình tương tự, chỉ có thể truyền tải một kênh chương trình truyền hình trên một kênh tần số 8 MHz, thì với kỹ thuật số tiêu chuẩn DVB-T2 cho phép truyền tải khoảng 20 chương trình truyền hình SD trên một kênh 8 MHz, nghĩa là truyền hình số sẽ cần ít phổ tần số hơn số với truyền hình tương tự. Chính vì vậy, sau khi hoàn thành số hóa truyền hình sẽ có một phần băng tần dành cho truyền hình sẽ dôi dư. Băng tần này được gọi là Băng tần lợi ích số hóa truyền hình (có tên gọi là băng tần Digital Dividend). Băng tần Digital Dividend được bộ phận Thông tin vô tuyến của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU-R) đánh giá là băng tần tiềm năng cho công nghệ thông tin di động (TTDĐ) băng rộng IMT-Advanced (thông tin di động 4G).
Việc giải phóng được băng tần này sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế xã hội nên nhiều nước trên thế giới đều đang tích cực chuyển đổi sang truyền hình số. Năm 2009, Mỹ là nước đầu tiên đã hoàn thành số hóa truyền hình và là thị trường đầu tiên trên thế giới bán đấu giá băng tần Digital Dividend (698-806) MHz và do đó có một lợi thế của sớm triển khai các mạng băng rộng TTDĐ. Các nhà cung cấp dịch vụ lớn ở Mỹ đã đưa ra dịch vụ 4G LTE thương mại giai đoạn 2010-2011. Nhiều nước châu Âu cũng đang hoàn thành số hóa truyền hình và triển khai mạng thông tin di động LTE trên băng tần dôi dư.
Việt Nam quyết tâm hoàn thành số hóa truyền hình trong năm 2020
Tại Việt Nam, mạng 4G LTE chưa được triển khai nhưng nhà mạng Viettel đã đề nghị quy hoạch tần số 700 MHz mà truyền hình analog đang sử dụng cho mạng 4G, sau khi băng tần này "dôi dư" vì ngưng phát sóng truyền hình analog từ năm 2015 tại các thành phố lớn. Theo Viettel, băng tần này có thể sử dụng cho dịch vụ di động băng thông rộng, có vùng phủ tốt hơn cho vùng nông thôn, và có suất đầu tư giảm nên nhà mạng có điều kiện giảm giá dịch vụ cung cấp cho vùng nông thôn.
Lộ trình số hóa truyền hình tại Việt Nam
Theo kế hoạch số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất thì Việt Nam sẽ thực hiện số hóa song song với ngừng phát sóng truyền hình analog mặt đất và chia thành 4 giai đoạn:
Cụ thể, giai đoạn 1 sẽ thực hiện số hóa truyền hình mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội (cũ), TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. 5 thành phố này sẽ kết thúc việc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng analog, chuyển hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2015.
Giai đoạn 2 sẽ tiến hành số hóa tại 26 tỉnh khác như Hà Nội (mở rộng), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình Khánh Hòa, Bình dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Long, Đồng Tháp... Dự kiến, các đài sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2016.
Giai đoạn 3 tiếp tục mở rộng ra 18 tỉnh thành khác gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên, Bình Phước, Sóc Trăng, Cà Mau... Thời hạn chót cho việc ngừng phát sóng hoàn toàn truyền hình số mặt đất là trước ngày 31/12/2018.
Cuối cùng, giai đoạn 4 sẽ tiến hành với các tỉnh còn lại thuộc vùng sâu, vùng xa như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên... với thời hạn chót là ngày 31/12/2020.
Cũng theo lộ trình số hoá truyền hình của Bộ Thông tin & Truyền thông, từ ngày 1/4/2014, các TV nhập khẩu hoặc sản xuất tại Việt Nam từ 32 inch trở lên đều phải tích hợp thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình theo chuẩn DVB-T2. Các doanh nghiệp sản xuất TV và đầu thu truyền hình số mặt đất DVB-T2 phải thực hiện đồng thời việc dán nhãn hàng hóa, gắn dấu hợp quy lên sản phẩm và dán logo biểu trưng số hóa truyền hình Việt Nam lên phía trước thiết bị để người dân dễ nhận biết. Sau đó, từ ngày 1/4/2015, những TV có kích cỡ từ 32 inch trở xuống cũng phải hoàn tất việc tích hợp chức năng thu truyền hình số theo chuẩn DVB-T2. Sau thời điểm này, khách hàng mua TV sẽ không cần sắm thêm đầu thu kỹ thuật số (Set-up-box) vẫn có thể thu tín hiệu truyền hình kỹ thuật số.
Hãy tìm biểu trưng số hóa truyền hình trên các TV hoặc đầu thu DVB-T2
Chuẩn truyền hình số DVB-T2 là gì?
Tiêu chuẩn DVB-T2 là phiên bản tiếp theo của tiêu chuẩn truyền hình số mặt đất DVB-T (Digital Video Broadcasting – Terrestrial). So với chuẩn DVB-T thì chuẩn thế hệ thứ hai DVB-T2 giúp gia tăng dung lượng tối thiểu 30% trong cùng điều kiện thu sóng và dùng các anten thu hiện có, rất hữu ích cho việc triển khai các dịch vụ quảng bá mới đòi hỏi dung lượng cao như HDTV, 3DTV... Chuẩn DVB-T2 tương thích với tiêu chuẩn mã hóa hình ảnh, âm thanh MPEG-4, trong khi DVB-T tương thích MPEG-2. Từ năm 2009, những nước đã triển khai phát sóng DVB-T đều có kế hoạch chuyển dần sang phát sóng tiêu chuẩn DVB-T2 và không tiếp tục mở rộng mạng DVB-T. Do đó, Việt Nam đã chọn DVB-T2 là tiêu chuẩn để số hóa truyền hình.
Giá thành của thiết bị truyền hình số tiêu chuẩn DVB-T2 đã giảm đáng kể từ khi tiêu chuẩn này được nhiều nước triển khai áp dụng. Hiện nay giá thành thiết bị phát sóng truyền hình số mặt đất sử dụng tiêu chuẩn DVB-T2 là tương đương với thiết bị sử dụng tiêu chuẩn DVB-T. Giá thành thiết bị thu sử dụng công nghệ DVB-T2 cao hơn không đáng kể khi sử dụng chuẩn DVB-T.
Tại Việt Nam hiện có một số đơn vị cung cấp truyền hình số, trong đó Công ty Cổ phần nghe nhìn toàn cầu AVG đang triển khai phát sóng truyền hình số mặt đất theo tiêu chuẩn DVB-T2 với mạng đơn tần. Đài truyền hình Việt Nam cũng đã quyết định sử dụng tiêu chuẩn DVB-T2 và đã phát sóng chính thức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh từ đầu năm 2013. Công ty VTC, là doanh nghiệp đang sử dụng tiêu chuẩn DVB-T (với khoảng hơn 3 triệu thuê bao sử dụng set-top-box chuẩn DVB-T) cũng có kế hoạch triển khai phát sóng truyền hình số tiêu chuẩn DVB-T2 và dần chuyển đổi hoàn toàn công nghệ sang DVB-T2.
Số hóa ảnh hưởng thế nào tới người xem truyền hình?
Theo ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, những gia đình đang dùng dịch vụ truyền hình trả tiền bao gồm: cáp số, cáp analog, số vệ tinh kể cả IPTV sẽ không phải chuyển đổi thiết bị thu xem trong lộ trình số hóa truyền hình bởi mục tiêu của nhà nước là sau khi tắt sóng analog, các hộ gia đình sẽ thu xem được đủ các kênh truyền hình quảng bá đang phát sóng trên hệ thống analog qua hệ thống truyền hình số.
Ước tính, cả nước hiện có khoảng 22 triệu hộ có tivi. Trong đó, có khoảng 12,5 triệu hộ gia đình trên cả nước đang xem truyền hình mặt đất phát sóng quảng bá (thu analog bằng anten dàn) và hơn 3,5 triệu hộ dân đang xem ti vi số mặt đất DVB-T chủ yếu tập trung tại khu vực nông thôn sẽ phải chuyển đổi công nghệ. Còn các hộ gia đình đang xem truyền hình trả tiền, ước tính khoảng 5 triệu thuê bao, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn không nằm trong đối tượng phải thực hiện số hóa truyền hình.
Khi mua TV mới, hãy chọn mua các model đã tích hợp đầu thu DVB-T2
Như vậy, nếu bạn có dự định mua TV mới thì hãy mua TV đã có tích hợp sẵn chức năng thu truyền hình số theo chuẩn DVB-T2. Nếu đang dùng TV thế hệ cũ, bạn có 2 lựa chọn: đăng ký dịch vụ truyền hình cáp/IPTV hoặc mua một thiết bị set-top-box (đầu thu) chuẩn DVB-T2 (giá từ vài trăm nghìn đồng cho đến trên 1 triệu đồng). Ngoài ra, bạn lưu ý không nên mua các đầu thu kỹ thuật số chuẩn DVB-T vì tuy hiện tại vẫn có thể xem được truyền hình nhưng sau sẽ phải mua mới, nâng cấp. Hiện trên thị trường vẫn còn khá nhiều đầu thu có chuẩn công nghệ cũ này.
Các thương hiệu TV lớn ở Việt Nam như Samsung, Sony, LG… đều tuyên bố đã tích hợp đầu thu truyền hình kỹ thuật số DVB-T2 vào các dòng TV 2014 với giá không chênh lệch so với TV không tích hợp đầu thu. Nếu mua các TV này, người tiêu dùng sẽ xem được truyền hình theo chuẩn DVB-T2 cả kênh miễn phí và kênh trả phí mà không cần đầu thu kỹ thuật số. Người dùng muốn tiết kiệm chi phí có thể xem các kênh miễn phí (AVG có 14 kênh miễn phí, VTC có 28 kênh miễn phí và VTV là 8 kênh miễn phí) mà không phải trả tiền thuê bao. Các hãng sản xuất cũng khuyến khích người dùng vùng nông thôn chuyển sang các loại TV tích hợp DVB-T2 bằng những model giá rẻ.
Theo báo ICTNews, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, Nhà nước đã quyết định chi 1.710 tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích để hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách mua thiết bị thu xem truyền hình số khi chuyển đổi sang số hóa. Tuy nhiên, nhà nước chỉ căn cứ vào tiêu chuẩn quốc gia để hỗ trợ. Còn đối với các địa phương có chuẩn nghèo riêng, thì số hộ chênh lệch sẽ được hỗ trợ từ nguồn ngân sách của địa phương.
Trong những năm gần đây, nhiều nhà cung cấp mạng viễn thông đồng loạt nhảy vào thị trường truyền hình tiềm năng với nhiều chiến lược kinh doanh giúp người dùng có thêm nhiều sự lựa chọn cho nhu cầu của gia đình và cá nhân. Phải kế đến các dịch vụ Truyền hình FPT của FPT , MyTV của VNPT, NetTV của Viettel... Hiện với hạ tầng quang hoá trên khắp các địa bàn, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tin tưởng sẽ đem lại cho người dùng trải nghiệm mới với truyền hình IPTV.
Truyền hình FPT là dịch vụ truyền hình tiên phong tại Việt Nam trong công nghệ truyền hình IPTV, với nhiều tính năng thông minh cùng khả năng giải mã tốt mọi định dạng Video, âm thanh hiện nay. Truyền hình FPT hiện đang là dịch vụ khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng đang dần có được thị phần khách hàng lớn trên toàn quốc.