Việc xử lý sự cố cáp quang biển AAG sẽ có thể xong vào 17h40 hôm nay, sớm 3 ngày so với dự kiến ban đầu. Sự cố lần này không phải do đứt cáp quang mà được cho là tuyến cáp AAG đã xuống cấp, dẫn đến hoạt động không ổn định. Tuy nhiên, lần này do nỗ lực định tuyến lưu lượng qua các đường cáp khác nên việc truy cập Internet quốc tế từ Việt Nam không bị ảnh hưởng nhiều.
Đây là lần thứ tư các nhà mạng Việt Nam phải tiến hành sửa cáp AAG từ đầu năm 2015. Trước đó xảy ra 3 vụ đứt cáp vào ngày 5/1, 23/4 và 26/5. Mỗi lần đều khiến việc truy cập Internet quốc tế gặp rất nhiều khó khăn trong khoảng 2 tuần.
Các nhà mạng cho biết, từ khi đưa vào hoạt động đến nay tuyến cáp quang biển AAG đã bị đứt tổng cộng 17 lần, chưa kể các lần bị sụt nguồn trong thời gian ngắn. Không có gì bảo đảm từ nay đến cuối năm không xảy ra sự cố tương tự. Theo các nhà mạng, từ năm 2016 kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế mới có thể ổn định hơn nhờ các tuyến cáp thay thế là APG (Asia Pacific Gateway) và AAE1 (Asia Africa Euro 1) đi vào hoạt động.
Trước đó, vào ngày 7/6 các đơn vị điều hành hệ thống cáp quang biển AAG sẽ bắt đầu tiến hành sửa chữa những điểm trên tuyến cáp đang gặp sự cố, dẫn đến tín hiệu đường truyền bị chập chờn, thậm chí có lúc mất hẳn tín hiệu.
Trong 6 tháng đầu năm 2015, tuyến cáp quang AAG đã 4 lần bị sự cố. Việt Nam đang có 4 tuyến cáp quang biển quốc tế cập bến gồm: AAG (Asia-America Gateway) và TGN-IA (TGN-Intra Asia Cable System) cập bến tại Vũng Tàu, SMW3 (SEA-ME-WE 3) và APG (Asia Pacific Gateway) cập bến tại Đà Nẵng. Những sự cố này liên tục xảy ra, khiến tình trạng truy cấp server nước ngoài từ các nhà cung cấp viễn thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhằm khắc phục tình trạng sự cố trong thời gian tới, các nhà cung cấp viễn thông lớn đang chung tay để triển khai và đầu tư vào hệ thống cáp quang APG thay cho hệ thống AAG. Dự kiến, trục cáp quang mới APG sẽ được đưa vào hoạt động từ đầu năm 2016
|
|