>> Giá truyền hình " bèo " hơn giá báo in
>> Tập trung hỗ trợ người dân chuyển sang truyền hình số
Các doanh nghiệp truyền hình trả tiền đề nghị nhà nước cần có biện pháp quản lý giá.
|
Truyền hình FPT Mặc dù Bộ TT&TT đã có văn bản trả lời Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VNPayTV) về việc dịch vụ truyền hình trả tiền không nằm trong danh mục quản lý giá theo Luật giá, do đó vấn đề quản lý giá dịch vụ truyền hình sẽ không được đưa vào dự thảo Nghị định quản lý dịch vụ truyền hình trả tiền do Bộ TT&TT đang soạn thảo.
Tuy nhiên, trước tình trạng cạnh trạnh trên thị trường truyền hình trả tiền đang có diễn biến phức tạp, VNPayTV mới đây lại tổ chức Hội thảo về vấn đề xây dựng đơn giá thuê bao truyền hình trả tiền để lấy ý kiến thành viên của Hiệp hội về việc quản lý giá dịch vụ này.
Các ý kiến nêu ra tại Hội thảo này cho thấy, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền vừa tố cáo lẫn nhau bán phá giá để cạnh tranh, mặt khác cũng chính các doanh nghiệp này cũng đã và đang chạy đua giảm giá, đồng thời cũng chính họ lại lên tiếng đòi nhà nước phải quản lý giá.
Giải thích về mục đích xây dựng Đề án xác định đơn giá dịch vụ truyền hình trả tiền, ông Vũ Văn Hiến, Chủ tịch VNPayTV chia sẻ, việc xác định giá thành của từng dịch vụ truyền hình trả tiền nhằm giúp thị trường này phát triển theo đúng Luật Cạnh tranh.Việc xác định giá là câu chuyện không đơn giản, có nhiều phức tạp, nên sau khi Đề án này được báo chí đăng tải thì dư luận xã hội có nhiều ý kiến khác nhau.
“Việc VNPayTV xác định giá sàn hay giá thành không mang tính pháp lệnh chỉ là mức giá đưa ra để tư vấn cho cơ quan quản lý tham khảo, từ đó có chính sách quản lý cho đúng với điều kiện thực tế”, ông Hiến phát biểu.
Không chỉ các doanh nghiệp truyền hình cáp nhỏ ở các địa phương lên tiếng xin nhà nước quản lý giá dịch vụ truyền hình mà ngay cả hai đàn anh là SCTV và VTVcab cũng đề nghị nhà nước cần đưa ra một mức giá sàn dịch vụ truyền hình.
Ông Hoàng Quốc Khánh, Công ty CP Truyền hình cáp Anpha Quảng Ninh cho biết, đơn giá được VNPayTV đưa ra là con số rất phù hợp với thực tế thị trường hiện nay. Mức giá này chính là giá thành và giá này chưa đặt ra mức lợi nhuận tối thiểu 5%.
Khi phát biểu, ông Khánh nhắc đi nhắc lại câu” “truyền hình trả tiền đang có sự phát triển méo mó”. Để chứng minh cho sự méo mó này, ông Khánh phân tích, hiện hầu hết các doanh nghiệp truyền hình trả tiền đều phải lấy tiền khách hàng trả trước để bù vào thực trạng kinh doanh méo mó hiện nay. Tại Quảng Ninh với giá dịch vụ truyền hình cáp sau khi trừ khuyến mãi thì hầu hết các doanh nghiệp đang bán dưới giá thành. Có khi doanh thu cả năm được vài chục tỷ đồng nhưng thực tế là đang bị lỗ hoặc chỉ lãi chút ít.
Như Công ty CP Truyền hình cáp Anpha Quảng Ninh doanh thu 30 tỷ đồng thì có đến 30% là tiền thu trước của khách hàng. Không chỉ các đơn vị nhỏ ngay cả các ông lớn như SCTV và VTVcab đều lấy doanh thu ở các thành phố lớn để bù vào tình trạng khó khăn ở các thị trường mới. Đây là thực trạng chung và tạo ra một sự phi lý cho thị trường truyền hình và hiện tại chưa ai có thể dự báo trước thị trường sẽ đi theo hướng nào.
Ông Khánh nói: “Anh em làm truyền hình rất mong nhà nước có sự quy hoạch lại, một tỉnh chỉ nên cấp phép cho 2-3 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình. Đồng thời, rất mong nhà nước đưa ra được một mức đơn giá tối thiểu để quản lý, nếu không bức tranh thị trường truyền hình sẽ ngày càng méo mó hơn”.
Ông Đỗ An Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP điện tử tin học viễn thông Hải Phòng cũng tha thiết đề nghị, mặc dù truyền hình không thuộc danh mục mà nhà nước phải quản lý giá, nhưng vẫn cần nhà nước quan tâm điều tiết bởi truyền hình tác động đến thông tin văn hóa nếu nhà nước không can thiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Cũng theo ông Thắng, việc xây dựng đơn giá là hết sức cần thiết, bởi sẽ triệt tiêu cạnh tranh không lành mạnh, chống bán phá giá, giảm giá để thôn tính triệt tiêu nhau, giảm áp lực cho cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra giám sát xử lý nhất là việc khiếu kiện, khiếu nại kéo dài
Thực chất kinh doanh dịch vụ truyền hình trong thời điểm này lãi ít, nên nếu doanh nghiệp nào giảm giá thực chất là dùng nguồn lực khác để bù chéo hoặc không có lãi nhưng họ vẫn làm thế để thu hút thuê bao rồi khi có nhiều khách hàng sẽ tăng giá bán, bản chất là không bền vững, thua thiệt cho nguồn thu ngân sách.
Ông Hà Văn Dũng, Giám đốc công ty Truyền hình cáp Nghệ An cũng cho rằng, Quyết định 20/2011/QĐ-TTg của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động truyền hình trả tiền cũng đề cập đến vai trò xây dựng và quản lý giá dịch vụ truyền hình của VNPayTV và Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử. Hiện nay tình trạng cạnh tranh đã rất căng thẳng, ông Dũng rất mong có sự can thiệp của Chính phủ để ban hành một mức giá sàn như mong muốn của VNPayTV để tình trạng cạnh tranh về giá không xảy ra nữa.
Ông Lương Quốc Huy, Phó Tổng giám đốc SCTV và ông Tạ Sơn Đông, Phó Tổng giám đốc VTVcab cùng chung quan điểm, nhà nước cần ban hành thống nhất đưa ra mức giá sàn cho gói kênh cơ bản để không còn tình trạng doanh nghiệp truyền hình đua nhau hạ giá, dẫn đến tình trạng Việt Nam có giá thuê bao truyền hình trả tiền thấp nhất khu vực như hiện nay.
ICTNews.vn