>> Tại sao phải chuyển truyền hình Analog sang truyền hình số ?
>> Người dùng TV cũ làm sao có thể dùng truyền hình số ?
Tại phiên họp lần thứ 8 Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam vào chiều 16/6/2015, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, Trưởng Ban chỉ đạo đã đồng ý với phương án tắt sóng “mềm” các kênh truyền hình analog ở 5 thành phố trực thuộc Trung ương sẽ thực hiện số hóa truyền hình đầu tiên.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, từ 1/7/2015 tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam sẽ tắt sóng 3 kênh truyền hình là VTV Đà Nẵng, VTV6, kênh DTR1. Còn lại các kênh khác bao gồm: VTV3, VTV9, VTV1, VTV2, DRT2, VTC1, VTC9 sẽ cắt sóng analog vào ngày 30/9/2015.
Tại phiên họp này, nhiều ý kiến cho rằng, đối với các kênh truyền hình không thiết yếu nhưng lại có số lượng người xem đông nhà nước cần xem xét để tắt sóng analog sau cùng.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đồng tình với các đề xuất này. Bộ trưởng cho rằng, khi tắt sóng truyền hình analog cần phải xem xét hài hòa giữa hai khái niệm: “Kênh truyền hình thiết yếu của nhà nước” và “kênh truyền hình thiết yếu theo khái niệm của người dân”, những kênh nào nhiều người dân yêu thích thì phải duy trì để người dân xem cho tới khi họ có thể xem được truyền hình số. Bộ trưởng cũng chỉ đạo khi ngừng phủ sóng truyền hình analog thì các kênh truyền hình số phải đảm bảo phục vụ nhu cầu thông tin của người dân chất lượng tốt hơn.
Vì thời điểm tắt sóng 3 kênh truyền hình analog VTV6, VTV Đà Nẵng và DRT1 chỉ còn 14 ngày nữa nên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son yêu cầu, các đơn vị cần triển khai công bố ngay thời điểm tắt sóng 3 kênh này cho người dân tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam. Các kênh khác lùi lại đến 30/9/2015, cũng cần phải đảm bảo việc hỗ trợ người dân đầu thu, nâng cao vùng phủ sóng trong tháng 8.
Đối với 4 thành phố Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Hải Phòng sẽ thực hiện ngắt sóng 1 số kênh truyền hình analog từ 1/1/2016 và chính thức cắt sóng hoàn toàn các kênh còn lại trong tháng 3/2015.