|
Thị trường truyền hình cáp đang xuất hiện những chiêu cạnh tranh không lành mạnh. Ảnh minh họa: Internet |
Truyền hình FPT Phát biểu tại một hội thảo về truyền hình trả tiền tại Hà Nội mới đây, bà Lại Thị Bích, Tổng giám đốc Truyền hình cáp Hà Nội (HCATV) cho biết, mặc dù Hiệp hội truyền hình trả tiền (VNPayTV) là sân chơi của doanh nghiệp truyền hình trả tiền, hiệp hội có vai trò tập hợp các hội viên để đảm bảo quyền lợi của thành viên tham gia, nhưng thực tế thì chính các hội viên luôn tìm cách để cạnh tranh, bằng cách này hay cách khác giành giật khách hàng của nhau.
Bà Bích dẫn chứng, truyền hình của gia đình người thân bà Bích bị mất tín hiệu, khi gọi thợ kỹ thuật tới sửa thì phát hiện cáp nối vào nhà bị cắt, trong khi nhà hàng xóm mới lắp dịch vụ truyền hình của đơn vị khác, cáp treo cùng một cột.
Bà Bích cho rằng, chuyện cắt dây cáp của đối thủ trong truyền hình trả tiền không phải là hiếm, hầu như doanh nghiệp truyền hình cáp nào cũng là nạn nhân. Tuy đây không phải là chủ trương của lãnh đạo nhưng áp lực của đồng lương, áp lực phát triển thuê bao khiến một số nhân viên làm thế.
Bên cạnh đó, bà Bích còn phản ánh, mặc dù VNPayTV đứng ra tập hợp nhiều đơn vị để xây dựng được một mức giá sàn cho truyền hình cáp, nhưng khi thực hiện lại chưa thống nhất. Qua theo dõi thị trường thì mặc dù đã thống nhất với nhau một mức giá thành, nhưng hầu hết các đơn vị kinh doanh đều hạ giá xuống dưới 50% bằng các chiến lược như khuyến mãi, tặng quà để giành khách.
Lãnh đạo Truyền hình cáp Thái Bình cũng thừa nhận rằng, thị trường truyền hình trả tiền đang có rất nhiều chiêu trò để cạnh tranh nhau đúng như bà Bích nói. Trước khi VNPayTV thành lập, một số doanh nghiệp truyền hình cáp phía Bắc hình thành một nhóm các doanh nghiệp kinh doanh truyền hình trả tiền từ Nghệ An trở ra. Qua trao đổi, các đơn vị đều phản ánh rất nhiều bức xúc, trong đó cạnh tranh về giá là vấn đề lớn nhất.
Hiện tại trên cùng một thị trường mỗi đơn vị đưa ra một giá, các doanh nghiệp truyền hình lớn như SCTV sẵn sàng hạ giá sau khuyến mãi chi còn trên 30.000 đồng/tháng ở các huyện, hoặc như Viettel thì sẵn sàng tặng không dịch vụ truyền hình cho khách hàng dùng Internet. Do đó, các doanh nghiệp truyền hình cáp nhỏ ở địa phương rất thua thiệt, tình trạng "cá lớn nuốt cá bé" xảy ra khá phổ biến.
Lãnh đạo Truyền hình cáp TP.HCM cũng thẳng thắn đề nghị, truyền hình trả tiền không phải mặt hàng nhà nước quản lý giá, nên nếu doanh nghiệp yêu cầu Bộ TT&TT ra mức giá sàn để quản lý là không phù hợp. Theo quy định hiện hành, nhà nước chỉ có thể quản lý nếu doanh nghiệp bán dưới giá thành, điều này là vi phạm luật cạnh tranh.
Vì thế, để tránh tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, VNPayTV có thể đề nghị các doanh nghiệp tự công bố giá vốn là bao nhiêu, nếu bán dưới giá đó là vi phạm luật cạnh tranh. Giả sử nếu doanh nghiệp cố tình công bố giá vốn thấp, VNPayTV có thể vào cuộc kiểm tra tại sao có mức giá rẻ thế, khi đó sẽ có sở cứ để Cục Quản lý Cạnh tranh xử phạt.
Bà Bích cho biết thêm, mặc dù nhà nước đã vạch ra giới hạn về khuyến mãi rồi, nhưng thực tế không ít doanh nghiệp vẫn làm chui. Còn về chuyện không giảm giá dịch vụ nữa cũng nói mãi mà không ai thực thi, khi họp thì đề nghị tăng giá bán nhưng thực tế vẫn tiếp tục giảm giá khuyến mãi.
Để thị trường truyền hình phát triển lành mạnh, bà Bích đề nghị, VNPayTV cần phải đóng vai trò như một trọng tài, yêu cầu các thành viên phải đoàn kết và cam kết thực hiện đúng các nội dung đã thống nhất trong các cuộc họp, cũng như việc phải giáo dục nhân viên không thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như cắt cáp của đối thủ.
ICTNews.vn