|
TS.Nguyễn Thành Nam tại buổi bootcamp "Đối thoại với CEO - Những thách thức của CEO trên con đường hội nhập" được Viện Quản trị Kinh doanh FSB tổ chức mới đây.
|
Tại buổi bootcamp “Đối thoại CEO - Về những thách thức của CEO tại Việt Nam trên con đường hội nhập” do Viện Quản trị Kinh doanh (FSB) thuộc ĐH FPT tổ chức mới đây tại Hà Nội và TP.HCM, TS.Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) trường ĐH FPT, nguyên CEO Tập đoàn FPT đã bật mí những trải nghiệm của chính ông khi cùng FPT ba lần bước chân ra biển lớn.
“Xuất hay là chết?”
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công nghệ FPT (1998), Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình đã công bố định hướng toàn cầu hoá với mũi nhọn là xuất khẩu phần mềm. TS.Nguyễn Thành Nam, khi đó là Giám đốc Trung tâm Giải pháp Phần mềm FPT đã có tham luận “Xuất hay là chết?” lay động lòng người. Ông lý giải: “Toàn cầu hóa không phải là con đường sống còn thì nghĩa là động lực không đủ mạnh để thành công”.
Năm 1998, khủng hoảng kinh tế châu Á đang diễn ra. Tương lai kinh tế của châu Á hết sức ảm đạm. Tình hình Việt Nam cũng không có gì sáng sủa. Ông Trương Gia Bình cảm nhận được rằng, nếu chỉ đơn thuần lặp lại kinh nghiệm của những năm tương đối may mắn vừa qua cùng với tư tưởng hưởng thụ sẽ dẫn công ty đến thất bại. Muốn thành công, FPT cần phải đổi mới toàn diện. Vì vậy, dù FPT khi đó đã là một công ty tin học có tiếng, bề thế hơn cả công ty Microsoft lúc mới ra đời, ông Trương Gia Bình vẫn đặt ra bài toán toàn cầu. Và TS. Nguyễn Thành Nam trở thành “linh hồn” của chiến dịch xuất khẩu phần mềm trong làn sóng toàn cầu hóa lần thứ nhất.
“Mọi việc bắt đầu khá đơn giản. Một đêm tháng 11/1998, tôi với anh Bình ngồi ăn mì tại sân bay Bangkok, chờ máy bay về Việt Nam. Cả hai im lặng tha thẩn nhai. Chúng tôi đều đang ở trong trạng thái sốc sau tất cả những gì được chứng kiến ở Bangalore, Ấn Độ, một đất nước đang còn rất nghèo nhưng đã hiện nguyên hình là một cường quốc CNTT trong thế kỷ 21. Hồi lâu, anh Bình nói: ‘Em lấy một đội và thử đi’. Tôi gật đầu, không cảm xúc”, ông Thành Nam hồi tưởng.
|
FPT hiện có hơn 20.000 nhân viên làm việc tại 19 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
|
Đội quân tiên phong ngày ấy, theo ông Nam, gồm toàn người trẻ và nhiệt huyết, là những người hướng ngoại, ham học hỏi, không ngại rủi ro. Năm cán bộ kinh doanh được tuyển chọn với những tiêu chuẩn cao cả về trí tuệ, kiến thức phần mềm, tố chất kinh doanh cũng như tiếng Anh (Hai trong số 5 “phi công vũ trụ” thời ấy giờ đã trở thành những đại tướng của FPT Software ngày nay, đó là Hoàng Việt Anh, Giám đốc thị trường nói tiếng Anh của FPT Software và Bùi Hoàng Tùng, Giám đốc FPT USA). FPT “liều lĩnh” mở văn phòng tại Silicon Valley và những nhân sự được coi là giỏi nhất về kinh doanh quốc tế theo hiểu biết của FPT thời ấy đều được mời. Đầu tiên phải kể đến Hùng Henry, Việt kiều Canada; tiếp đến là Michael David, một người Mỹ chính gốc được mời về phụ trách kinh doanh ở FPT Software với một mức lương “khủng” thời bấy giờ.
Song cái khó của người tiên phong là một loạt những dấu chấm hỏi chưa có câu trả lời. FPT đặt mục xuất khẩu phần mềm nhưng điều quan trọng nhất là chuẩn bị cho mục tiêu này thì FPT hầu như chẳng có gì. FPT "đi ra biển lớn" với hành trang gần như là con số 0: thương hiệu không, nguồn lực yếu, mối quan hệ hạn hẹp, kinh nghiệm quốc tế ít ỏi…Vì thế, thật không quá khó hiểu khi kết quả không như FPT mong đợi. Hai văn phòng ở Ấn Độ (thành lập tháng 11/1999) và Mỹ (tháng 1/2000) đã “tan” sau gần 1 năm hoạt động.
Thành công khi “chạm vào tâm hồn”
Tám năm sau lần trải nghiệm toàn cầu hóa đầu tiên, FPT lại quyết tâm “phục thù” với làn sóng toàn cầu hóa lần thứ hai được chuẩn bị kỹ càng hơn. Chính những thất bại bước đầu đã khơi nguồn cảm hứng cho làn sóng toàn cầu hóa thứ hai vào năm 2006. Động lực của FPT càng mạnh mẽ hơn bởi toàn cầu hóa đã trở thành xu hướng tất yếu không thể lùi bước.
Thêm vào đó, bối cảnh lúc này đã thuận lợi hơn rất nhiều: Việt Nam đã gia nhập WTO và mỗi doanh nghiệp được hưởng lợi từ “ba làn sóng dân chủ”: dân chủ hóa công nghệ, dân chủ hóa tài chính và dân chủ hóa thông tin; FPT đã “lên sàn” và trở thành một trong những công ty cổ phần có thị giá cổ phiếu lớn nhất Việt Nam; nguồn nhân lực đủ mạnh và có thể cạnh tranh được với các công ty nước ngoài (năm 2006, riêng FPT Software đã có hơn 1.500 lập trình viên với hàng trăm bằng cấp giá trị quốc tế, bao gồm cả Microsoft, Cisco, Oracle…). Và trên hết, FPT đã có những bài học cay đắng từ làn sóng toàn cầu hóa lần thứ nhất. Giờ đây, FPT không còn đơn thương độc mã nữa mà đã có rất nhiều mối quan hệ quốc tế do Việt Nam đã trở thành thị trường được nhiều hãng nước ngoài quan tâm.
Với sự chuẩn bị chu đáo, làn sóng toàn cầu hóa lần thứ hai của FPT mặc dù vẫn đi theo hướng tấn công với mũi nhọn vẫn là xuất khẩu phần mềm nhưng đã hướng về khu vực gần gũi hơn: Nhật Bản. Kế đó, FPT tiếp tục thành lập công ty ở Singapore, Pháp, Malaysia, Mỹ… Để giờ đây, trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm FPT đã có quyền tự hào về những con số đáng mơ ước với bất cứ doanh nghiệp CNTT Việt Nam: hơn 135 triệu USD doanh số xuất khẩu phần mềm/năm; hơn 7.000 chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm; hàng trăm khách hàng từ Mỹ, châu Âu, châu Phi, Trung Đông đến Nhật Bản, Singapore, Myanmar, Campuchia, Lào... Và càng tự hào hơn khi khát vọng xuất khẩu phần mềm chưa bao giờ cạn trong huyết quản người FPT, dù là thế hệ sáng lập hay thế hệ trẻ mới gia nhập FPT.
|
Nhật Bản vẫn đang là thị trường có nhiều đóng góp cho hoạt động toàn cầu hóa của FPT.
|
Kế thừa sự thành công của làn sóng toàn cầu hóa lần thứ hai, FPT đã chính thức phát động làn sóng toàn cầu hóa thứ ba tại Hội nghị Chiến lược FPT 2013 - “Global 1 Billion Challenge” bởi vì như Chủ tịch Trương Gia Bình đã nói: “Thị trường CNTT Việt Nam đã trở nên nhỏ bé với FPT. Đã đến lúc FPT cần có những thách thức, sân chơi lớn hơn nữa để tiếp tục phát triển và tăng trưởng mạnh như trong quá khứ. Toàn cầu hóa là con đường duy nhất”, lời phát động của Chủ tịch HĐQT Trương Gia Bình.
Trong hai làn sóng toàn cầu hóa trước, hướng đi mũi nhọn của FPT là xuất khẩu phần mềm thì ở làn sóng lần thứ 3 này, chiến lược của FPT đã khác. FPT sẽ bước ra sân chơi toàn cầu trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh mà công ty đang hoạt động từ công nghệ, viễn thông đến phân phối, bán lẻ và giáo dục.
Theo đó, tại thị trường các nước phát triển, FPT sẽ tập trung cung cấp dịch vụ CNTT theo các xu hướng công nghệ mới nhất. FPT đang có những lợi thế nhất định cho hướng đi này như có năng lực chuyên môn, có sẵn nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, giá dịch vụ cạnh tranh. Với hướng đi này, FPT tin tưởng sẽ góp phần quan trọng trong việc đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về cung cấp dịch vụ CNTT. Còn tại thị trường các nước đang phát triển, FPT sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có và mang những sản phẩm dịch vụ đã thành công trong nước sang để mở rộng hoạt động kinh doanh.
Trong làn sóng toàn cầu hóa này, ông Thành Nam lại là tướng cầm đầu của một lĩnh vực đầy thử thách: Xuất khẩu giáo dục.Trong khi thanh niên Việt Nam đua nhau ra nước ngoài học, ông Thành Nam đã dẫn không ít sinh viên nước ngoài về Đại học FPT, gồm cả sinh viên Châu Âu, châu Mỹ…
Từ trải nghiệm của nhiều lần “chinh chiến”, một trong những kinh nghiệm của FPT được TS. Nguyễn Thành Nam chia sẻ với các học viên Viện Quản trị Kinh doanh FSB là: hãy chọn “cách đánh” và “vũ khí” phù hợp. “Vũ khí” chính, theo TS. Nguyễn Thành Nam, là học hỏi và làm theo chuẩn mực ngành nghề của thế giới; đặc biệt là phải tìm cách “chạm được vào tâm hồn” khách hàng, đối tác.
Đến nay, khi làn sóng toàn cầu hóa thứ ba vẫn đang diễn ra, FPT đã đặt chân tới 19 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Doanh thu từ hoạt động toàn cầu hóa của FPT năm 2014 ước đạt 3.684 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2013, với tất cả các thị trường trọng điểm đều tăng trưởng xấp xỉ 40%. Lợi nhuận trước thuế từ hoạt động toàn cầu hóa của FPT ước đạt 584 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2013.Với tham vọng trở thành nhà cung cấp dịch vụ CNTT tổng thể hàng đầu khu vực, FPT đặt mục tiêu doanh thu từ toàn cầu hóa tăng trưởng trung bình 40%/năm, đạt 340 triệu USD vào năm 2016.