Theo lộ trình số hóa truyền hình, Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam sẽ tắt sóng truyền hình analog trước ngày 30/6/2015, còn 4 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, Cần Thơ sẽ tắt sóng truyền hình analog trước ngày 31/12/2015. Việc vùng phủ sóng theo địa giới hành chính này có ưu điểm phù hợp với kế hoạch số hóa truyền hình đã được Chính phủ phê duyệt. Theo phương án này, nhà nước sẽ chi khoảng trên 90 tỷ đồng để mua đầu thu số hỗ trợ cho gần 450.000 hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách của 5 thành phố.
Tuy nhiên, phương án này cần đầu tư, thiết lập nhiều trạm phát bù sóng truyền hình analog cho các tỉnh lân cận thuộc nhóm II. Theo tính toán của VTV, sẽ phải đầu tư thêm khoảng 200 tỷ đồng để thiết lập các trạm phát lại và 20 tỷ đồng để vận hành cho 1 năm, sau đó lại gỡ bỏ đi sau khi các tỉnh nhóm II số hóa xong vào cuối năm 2016. Việc đầu tư mới này gây lãng phí lớn và cũng không thể triển khai ngay trong vòng 1 năm mà phải mất ít nhất 2 năm.
Do đó, Tiểu ban giúp việc đã đề xuất tắt sóng analog theo phương án 2, đó là tắt sóng truyền hình tương tự theo vùng phủ sóng. Thay vì thiết lập hệ thống trạm phát bù sóng analog cho các tỉnh lân cận 5 thành phố thì nhà nước sẽ tính toán hỗ trợ cho người dân các khu vực đó đầu thu số để xem truyền hình số ngay. Phương án 2 sẽ không cần thiết lập hệ thống phát bù analog, trừ những vùng lõm sóng nhưng số lượng đầu thu số cần hỗ trợ trong giai đọan 1 sẽ tăng lên đáng kể. Theo tính toán ban đầu, số tiền chi hỗ trợ đầu thu số trong giai đoạn 1 dự kiến vào khỏang 260 - 268 tỷ đồng để hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ gia đình chính sách nằm trong vùng phủ sóng số.
Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, nếu thực hiện phương án 2, doanh nghiệp phát sóng sẽ phải công bố vùng phủ sóng số, nhà nước căn cứ vào đó tiến hành hỗ trợ đầu thu theo nguyên tắc tắt sóng analog đến đâu hỗ trợ đầu thu đến đó, nhưng đổi lại sẽ tiết kiệm được hơn 220 tỷ đồng dự kiến sẽ phải chi cho việc thiết lập và duy trì các trạm phát lại cho các tỉnh lân cận trong 1 năm. Việc tắt sóng truyền hình analog ở 5 thành phố sẽ đúng theo kế hoạch số hóa, một số khu vực lân cận 5 thành phố sẽ được số hóa sớm hơn.
Bên cạnh đó, nhu cầu trang bị đầu thu truyền hình số trong giai đoạn 1 tăng cao, giúp kích cầu cho các doanh nghiệp trong nước tham gia sản xuất và nhập khẩu đầu thu số, tạo nguồn cung phục vụ cho đề án số hóa truyền hình.
Nhược điểm của phương án này là cần sớm có có nguồn tiền để chi hỗ trợ cho các đối tượng được nhà nước trợ cấp đầu thu số. Đồng thời, việc tính tóan vùng được hỗ trợ, đối tượng được hỗ trợ sẽ phải chi tiết hơn.
Thời điểm tắt sóng analog ở 5 thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được Ban chỉ đạo Số hóa truyền hình Việt Nam quyết định trong phiên họp vào đầu tháng 1/2015.